Điều ít biết về nghề thủy thủ viễn dương

29/06/2021 07:12

Cách đây hơn ba thập niên, thủy thủ viễn dương từng được thế hệ thanh niên chập chững vào đời ao ước. Đó là chàng trai Hải Phòng đi giầy Adidas, mặc áo Na-to, mồm ngậm thuốc lá ba số.

Họ đã biến chợ Sắt, Hải Phòng thành trung tâm buôn bán nổi tiếng, vượt qua cả chợ Đồng Xuân của Hà Nội, chợ Bến Thành của Sài Gòn, trở thành chợ đứng đầu cả nước về sự phong phú các mặt hàng điện tử second-hand Nhật đến độ đã có những câu ngạn ngữ: “Thứ gì trên thế giới có thì chỉ 2,3 ngày sau chợ Sắt sẽ có”, “thiếu bất kỳ thứ gì đến chợ Sắt sẽ mua được”, hay “chưa đến chợ Sắt coi như chưa đến Hải Phòng”….

Điều ít biết về nghề thủy thủ viễn dương

Các thủy thủ viễn dương của Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vosco)

Làm nhiệm vụ vận tải biển viễn dương hồi đó có nhiều công ty như Công ty vận tải biển 3, Công ty Vitranschart, các công ty vận tải biển của các địa phương như Hamasco của Hà Nội… Nhưng Công ty Vận tải biển Việt Nam (bây giờ đổi tên là Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam), tên thương hiệu là Vosco, giữ vai trò chủ lực vận tải viễn dương đã trở thành biểu tượng và thương hiệu vận tải biển Việt Nam, và thủy thủ viễn dương dù ở đâu cũng đều được dân gian gọi là thủy thủ Vosco.

Anh lái xe quá cảnh và chàng thủy thủ Vosco dạo đó được xã hội ngưỡng mộ vì sự giàu có. Sự giàu có này đều bắt đầu từ buôn lậu. Lái xe quá cảnh giấu hàng lậu dưới những tảng thạch cao để vượt qua kiểm soát của Hải quan Lao Bảo, còn thủy thủ viễn dương thì giấu hàng lậu “cáy” (hàng vượt chỉ tiêu được phép mang sau mỗi chuyến vận tải) ở đủ các ngóc ngách khó tìm trên tàu.

Xét về khía cạnh nào đó, hiện tượng buôn lậu của lái xe quá cảnh và chàng thủy thủ viễn dương đều xuất phát từ quan hệ cung cầu, do sự khan hiếm hàng hóa và hoàn cảnh đưa đẩy. Tuy nhiên, về mặt thực hiện nhiệm vụ thì họ thật xứng đáng là những người anh hùng thực sự.

Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước là giai đoạn nước ta bắt đầu những chính sách mở cửa, đổi mới trong kinh tế. Cần nói công bằng rằng nếu không có đội ngũ tàu viễn dương thì chúng ta sẽ thêm một lần “bế quan tỏa cảng” nền kinh tế nước ta vốn vừa thoát khỏi “gọng kìm” bao cấp và cấm vận. Mà để vận hành những con tàu viễn dương ít nhiều hiện đại so với thời ấy lại chính là đội ngũ những người thủy thủ viễn dương.

Đang điều khiển những con tàu có trọng tải cao nhất chỉ vài trăm tấn chạy trên sông, chạy ven biển, đội ngũ thủy thủ vận tải biển thật sự sáng tạo, thông minh, chịu khó học hỏi tiếp cận công nghệ tiên tiến để làm chủ những con tàu có trọng tải hàng vài nghìn, đến hàng vạn tấn có dàn thiết bị điều khiển đòi hỏi một tay nghề chuyên môn cao. Cùng với việc làm chủ phương tiện, thiết bị hiện đại là sự làm quen với các thủ tục vận tải biển quốc tế cực kỳ nghiêm khắc và quy củ mà trước đó còn rất xa lạ với cán bộ, thủy thủ Việt Nam.

Dạo đó cũng như hiện nay trong giao dịch, vận chuyển tại các bến cảng quốc tế hầu hết đều bằng tiếng Anh. Vậy mà đoàn thủy thủ viễn dương non trẻ của chúng ta đều đã từng bước làm chủ được. Những năm tháng khó khăn đó, có thể nói hầu hết mọi nhiệm vụ vận tải, giao nhận của đoàn tàu viễn dương của ta đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Giao và nhận thông đồng bén giọt mọi hợp đồng vận tải với mọi quốc gia trên thế giới.

Nói về người thủy thủ viễn dương, không thể không nói đến sự hy sinh cao cả của mỗi cá nhân khi đảm trách nhiệm vụ trên những con tàu. Người viết bài này đã từng trải qua một chuyến đi biển tròn một tháng trên tàu kéo ụ nổi 8.500 tấn vượt Biển Đông, chạy từ Quảng Ninh vào đến cảng Sài Gòn. Chỉ trong vòng một tháng trời trên biển, mà mọi cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố mà một con người có thể trải qua trong suốt cuộc đời đều có thể xuất hiện.

Thử thách bao trùm với người thủy thủ viễn dương chính là tình trạng luôn đối mặt với những sự hiểm nguy giữa sóng gió, thời tiết bất ưng bao gồm cả bão táp, sóng thần của biển cả, những toán cướp biển. Người thuyền viên khi làm việc luôn trong tình trạng căng thẳng vì phải giữ an toàn cho chính mình, các đồng nghiệp, con tàu cùng nhiều hàng hóa, tài sản giá trị trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.

Có những dòng điện tín từ tàu nhắn gửi về bờ, mà đến bây giờ người viết vẫn nổi da gà khi nhắc lại: “Nếu 15 phút nữa chúng tôi không điện về thì xin được gửi lời chào vĩnh biệt Tổ quốc và những người thân”. Thử thách nữa là sự cô đơn, những chuyến đi dài hàng vài ba tháng trời giữa biển cả mênh mông, giữa những bến bờ xa lạ để thực hiện nhiệm vụ ngành và đất nước giao phó, xung quanh toàn là nước biển mặn, trên là trời, dưới là biển.

Người viết bài này đã từng đứng trên boong tàu nhiều tiếng đồng hồ, dõi mắt xa xăm nhìn ra biển, biển phẳng lặng xanh ngắt, trời cao trong vắt không một gợn mây, tầm nhìn đạt cực đại, nhưng tuyệt nhiên không có một bóng tàu hay thuyền của ngư dân. Có những ngày thèm được gặp người khác với những người đang trên tàu cùng mình đến cồn cào, thèm được thấy tàu, thuyền cá của ngư dân đến khao khát. Bởi vì, khi nhìn thấy tàu, thuyền cá của ngư dân thì đều gợi cho người đi biển hơi hướng của đất liền, dấu ấn của đất liền, dẫu biết rằng bây giờ công nghệ hiện đại, tàu cá ngư dân đánh bắt xa bờ nhiều, nhưng dù sao cũng còn gần bờ hơn so với tàu hàng viễn dương.

Trong một không gian nửa kín nửa hở khoảng 100-200m2, có khoảng 15 người đàn ông nước da đen sạm, đầy mùi dầu mỡ, thô ráp, ra đụng vào chạm mặt nhau liên tục trong khoảng một tháng trời, thì những người trong hoàn cảnh đó mong muốn những sự kiện mới vô cùng, dù chỉ là những sự kiện nhỏ bé, như nhìn thấy một cánh chim hải âu, hay một vài con cá biển nghịch ngợm bơi theo tàu.

Có những ca nghỉ, sóng yên biển lặng, tàu lầm lũi trôi, thuyền trưởng cho bật nhạc nhảy cổ điển để những người đàn ông cồng kềnh, cứng nhắc có thể ôm nhau dập dìu trong những điệu valse, cha cha cha, hay zumba để bớt đi chút nhớ quê hương, nhớ đến những không khí hội hè, sàn nhảy, quán bar,… Còn trên hết, thử thách lớn nhất, hay đôi khi cũng trở thành bi kịch cuộc đời, đó là theo hoàn cảnh, điều kiện công việc, người thủy thủ viễn dương phải thường xuyên xa gia đình, xa vợ, con, không làm tròn nhiệm vụ của người chồng, người cha; cũng không thể chăm nom, chăm sóc chu đáo cha mẹ mình…

Các thủy thủ viễn dương của Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart)

Ngoài ra, bản lĩnh của những người thuyền viên Việt Nam lại luôn được thể hiện khi những thử thách về sự cố kỹ thuật, thiết bị giữa biển khơi luôn luôn rình rập. Vào những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ trước thì hầu hết những con tàu trong đội ngũ tàu viễn dương của Việt Nam ta đều là tàu cũ, khiến đội ngũ tàu biển viễn dương của ta hồi đó có tuổi bình quân hơn 30 tuổi, có thời gian lên xấp xỉ 40 tuổi. Vậy mà với những người thủy thủ viễn dương dạo đó nói tiếng Anh truyền khẩu, trình độ tay nghề đang trong tiếp tục trong thời gian tìm tòi, học hỏi, vậy mà hầu như vào những năm đó tỉ lệ vận tải viễn dương đạt độ an toàn lên đến 93-94%. Đặc biệt không có trường hợp nào tàu của Việt Nam bị đắm, chìm do sự cố kỹ thuật.

Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, đời sống dân ta đa phần được cải thiện, nên nghề lái xe quá cảnh, thủy thủ viễn dương không còn hấp dẫn như xưa nhưng riêng với những ai vào nghề thủy thủ viễn dương hôm nay đã là một ghi nhận cho tình yêu nghề vận tải, yêu biển của những người dấn thân đến với danh hiệu thủy thủ viễn dương. Với những con người đó thì truyền thống của viễn dương luôn hoàn thành nhiệm vụ, thông minh, sáng tạo trong công việc, dũng cảm đối mặt với mọi hiểm nguy vẫn là dòng chảy để đội ngũ thủy thủ viễn dương vẫn luôn vững vàng, xứng đáng với những gì họ được gửi gắm và giao phó.

Báo Quân đội nhân dân

CÁC TIN KHÁC